Văn Khấn Toàn Thư
Người Việt ta thường lấy chữ hiếu làm trọng, đã có thời gọi là đạo hiếu hay đạo làm con. Đạo là một lối sống ngang hàng như khuôn phép của một tôn giáo. Nếu lấy việc thờ Trời là Đạo của người dân, thì việc phụng dưỡng cha mẹ và thờ cúng ông bà tổ tiên là thực hành phần hình nhi hạ của đạo thờ Trời. Đó là điểm đặc sắc của văn hóa Việt. Ngày nay chúng ta còn giữ được đạo hiếu là còn giữ được một phần văn hóa dân tộc, còn giữ được nền tảng gia đình Việt Nam.
Thờ cúng Tổ Tiên là một trong những nét đẹp văn hóa truyền thống người Việt từ xưa đến nay. Ban thờ Thần Linh – Gia tiên là một phần không thể thiếu trong mỗi gia đình, không kể giàu nghèo hay địa vị xã hội; bởi nó thể hiện cho đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc. Thờ cúng Tôn Thần cũng là nghi thức tôn trọng tự nhiên tôn kính Tôn Thần để thấy mình nhỏ bé, qua đó phấn đấu nhằm tu tạo đạo đức, tư duy giúp chúng ta có cuộc sống tốt hơn.
Thờ cúng Gia tiên là nghi thức quan trọng giúp giáo dục đạo hiếu trong gia đình, bởi con người luôn lấy “chữ Hiếu làm đầu”, người phải có đức hiếu sinh mới được coi là người thiện, người tốt. Bởi vậy, qua việc thờ cúng, chúng ta thể hiện được lòng thành kính, tưởng nhớ và ghi tạc ân đức của những người đã khuất trong gia đình, tưởng nhớ công lao sinh thành, ơn dưỡng dục; từ đó giáo dục đạo hiếu và sự hiếu thuận của con cháu đối với người còn sống.
Tục thờ cúng của người Việt có nguồn gốc từ nền kinh tế nông nghiệp trong xã hội phụ quyền xưa. Khi Nho giáo du nhập vào Việt Nam, chữ hiếu được đề cao, đã làm cho tục lệ thờ cúng Thần Phật, Tổ tiên có một nền tảng triết lý sâu sắc, khi đó gia đình, gia tộc, và vấn đề “dương danh hiển gia” được đề cao.
Khi cúng bái không nhất thiết phải làm mâm cao cỗ đầy, chỉ cần một nén hương (nhang) lên bàn thờ tổ tiên trong ngày lễ, Tết, hay ngày giỗ, con cháu trong gia đình cũng thể hiện được tấm lòng thành kính, hướng về cội nguồn, tưởng nhớ những người thân đã khuất. Và khi dâng lễ, cúng bái cần có văn khấn để giãi tỏ lòng thành với Thần Phật, Tổ Tiên chứng giám.
Vậy, khấn là thế nào? Điều cốt yếu của một lời khấn là gì? Có thể hiểu nôm na rằng: Khấn là sự bày tỏ tâm thành, cầu xin của người làm lễ trước các đấng vô hình — linh thiêng như vong hồn của những người đã khuất, Thần lực của Phật Tổ, Thánh Thần,… Cũng bởi thế, điều cốt yếu của lời khấn là sự thành tâm, chứ chẳng phải ở những lời hoa mỹ, cầu kỳ, cũng chẳng phải ở chỗ cứ cầu cho nhiều
Theo triết lý nhà Phật thì Tâm tuy vô hình nhưng lại là sợi dây liên hệ ràng buộc vạn hữu. Còn các nhà Nho thì cho rằng: “Tâm động quỷ thần tri” (Nghĩ là Tâm ta thành kính mà cầu khẩn Thần linh thì Thần linh ắt thấu tỏ). Vì thế, lời khấn cốt ở Tâm thành.
Trong thực tế, khi thực thi tín ngưỡng truyền thống này, không ít người lúng túng không biết khấn vái ra sao để bày tỏ ước nguyện của mình đối với Phật, Thánh, Tổ Tiên? Vì thế, chúng tôi biên soạn tập văn khấn này giúp cho gia chủ dễ đọc, dễ nhớ, dễ lưu truyền rộng rãi và phát huy được những nét hay, đẹp đạo lý của dân tộc Việt Nam.
Trong khi soạn lọc có phần nào còn thiếu sót, mong quý vị hoan hỷ thể tình
lượng thứ. Xin chân thành cảm ơn!
Đánh giá
There are no reviews yet