Trình Tự Tu Thiền
1. TÂM LÀ GÌ?
Trí toàn giác không thể không nhân mà có, vì nếu là như vậy, bất cứ điều gì cũng có thể là toàn giác. Nếu sự việc sinh ra không tùy thuộc vào điều gì khác, như vậy mọi sự đều có thể hiện hữu không câu thúc, sẽ chẳng lý do gì lại không thể là toàn giác. Chính vì sự vật chỉ phát sinh tùy lúc, nên bắt buộc phải tùy thuộc nhân duyên. Trí toàn giác cũng vậy, rất hiếm hoi, không phải bất cứ lúc nào, chỗ nào, cũng có thể sinh ra. Cho nên trí toàn giác nhất định phải tùy thuộc nhân duyên.
2. LUYỆN TÂM
Hơn nữa, ta cần huân dưỡng nhân tố cho thật chính xác và đầy đủ. Nếu chọn lầm thì dù ra công khổ nhọc trong thời gian dài bao lâu cũng vẫn không thể đạt mục tiêu mong cầu. Giống như vắt sữa từ sừng. Tương tự như vậy, nhân không đủ thì quả không thể phát sinh. Ví dụ nếu thiếu hạt giống hay thiếu những nhân tố khác thì không thể có được mầm non. Vì thế, muốn đạt điều gì, ta cần huân dưỡng mọi nhân tố cần thiết cho thật đầy đủ chính xác.
Nếu quí vị hỏi rằng, “Đâu là nhân duyên tạo trí toàn giác?”. Tôi, người tựa kẻ mù lòa, chẳng thể trả lời,¬¬ thế nhưng tôi có thể dựa vào lời của đức Phật sau khi giác ngộ dạy cho chúng đệ tử. Đức Phật nói rằng: “Này Kim Cang Thủ, này đấng Thế Tôn Kín Mật, trí toàn giác siêu việt lấy tâm đại bi làm gốc, sinh ra từ nhân, là tâm vị tha, tâm bồ đề và phương tiện thiện xảo.” Vậy, nếu muốn đạt trí toàn giác, ta cần hành trì ba điều sau đây: tâm đại bi, tâm bồ đề và phương tiện thiện xảo.
3. TÂM ĐẠI BI
Vì có tâm đại bi nên bồ tát lập thệ nguyện phổ độ chúng sinh.
Rồi nhờ chiến thắng tâm chấp ngã, bồ tát tinh tấn miên mật dấn thân hành trì pháp tu tích tụ công đức trí tuệ vô vàn khó khăn.
Nhờ dấn thân hành trì như vậy, bồ tát chắc chắn tích tụ đầy đủ công đức trí tuệ. Công đức trí tuệ đủ rồi thì tựa như nắm trí toàn giác trong lòng bàn tay. Vì tâm đại bi là cội rễ duy nhất của trí toàn giác, cho nên ngay từ đầu ta cần làm quen với pháp tu này. Kinh Chánh Pháp Tập Kinh nói rằng, “Kính bạch đức Phật, Bồ tát không cần hành trì nhiều pháp tu. Nếu Bồ tát có thể giữ một pháp cho thật đúng đắn, tu một pháp cho thật toàn hảo, thì vô lượng thiện đức của Phật đà sẽ nằm gọn trong lòng bàn tay. Nếu hỏi một pháp ấy là gì, đó chính là tâm đại bi.”
Chư Phật tuy thành tựu mục tiêu cứu cánh, nhưng còn chúng sinh thì chư Phật vẫn còn ở lại trong luân hồi. Đó là vì chư Phật có tâm đại bi. Chư Phật không nhập niết bàn an lạc như chư Thanh văn. Vì lợi ích chúng sinh, chư Phật từ bỏ niết bàn an lạc như từ bỏ căn nhà lửa cháy. Vì vậy, nếu muốn thành tựu niết bàn vô trú của một đấng Phật đà thì tâm đại bi là nhân tố duy nhất không thể thiếu.
4. PHÁT TRIỂN ĐẠI XẢ, GỐC RỄ CỦA ĐẠI TỪ
Phương pháp thiền quán tâm bi sẽ được giải thích từ đầu. Bắt đầu bằng pháp quán tâm xả. Hãy cố gắng khởi tâm bình đẳng đối với hết thảy chúng sinh bằng cách đoạn diệt tham và sân.
Tất cả chúng sinh ai nấy đều mong cầu hạnh phúc và không muốn khổ đau. Hãy quán niệm sâu xa rằng, từ vô lượng sinh tử cho đến bây giờ, không có chúng sinh nào không đã từng là thân nhân bằng hữu của mình hàng trăm lần rồi. Vậy chẳng lý do gì lại tham luyến người này, oán hận người kia. Hãy nên khởi tâm bình đẳng đối với hết thảy chúng sinh. Bắt đầu thiền quán đại xả bằng cách nghĩ đến người dưng kẻ lạ, rồi bạn thân, rồi kẻ thù. Một khi đã khởi tâm đại xả đối với hết thảy chúng sinh, hãy thiền quán đại từ. Hãy để nước đại từ thấm nhuần dòng tâm thức, tưới tẩm tâm như tưới mảnh đất phì nhiêu. Để hạt giống bi mẫn một khi gieo xuống, sẽ nhanh chóng nảy mầm, tốt tươi tròn vẹn. Một khi tâm thức đã thấm nhuần trong đại từ, hãy thiền quán đại bi.
5. NHẬN DIỆN KHỔ ĐAU
Tâm bi là ước nguyện mong mỏi chúng sinh khổ đau đều được thoát khổ. Thiền quán tâm bi đối với hết thảy chúng sinh, vì chúng sinh trong toàn ba cõi đều luôn bị hành hạ bởi ba loại khổ, biểu hiện thành nhiều sắc thái phong phú. Đức Phật nói rằng nỗi khổ bỏng cháy và những loại khổ đau khác luôn hành hạ chúng sinh cõi địa ngục trong thời gian dài vô kể. Đức Phật cũng nói rằng các loài ngạ quỉ bị nỗi đói khát thiêu đốt, thể xác đớn đau khôn cùng. Chúng ta cũng có thể thấy loài súc sinh phải chịu khổ đau bất hạnh như thế nào: cứ phải nhai nuốt lẫn nhau, nổi sân hận, bị thương, bị giết. Chúng ta có thể thấy loài người cũng phải chịu đủ loại khổ đau bén nhọn. Điều mong cầu đều không đạt được, nên cứ mãi oán hận, gây thương tổn cho nhau. Điều đẹp đẽ mong cầu cứ mãi mất đi, điều xấu xa muốn tránh thì lại phải chịu, còn phải chịu nỗi khốn khổ bần cùng.
Đánh giá
There are no reviews yet